Men theo con đường rợp bóng, hai bên là những bụi cây cao um tùm, sum suê, tôi chạm ngõ cụt. Trống ngực đánh liên hồi, một cảm xúc lẫn lộn vừa phấn khích vừa gợn sống lưng, tôi xoay người rồi dò lại theo dấu chân của mình. Tôi có thể thoát khỏi nơi này không? Phải mất một lúc lâu, nhưng lần nào tôi cũng có thể lao ra phía thảm cỏ xanh ngát và nắng vàng, vỡ òa cảm xúc khi thoát khỏi điều bí ẩn nọ.
Từ nhỏ, lạc lối trong mê cung trên Đảo Trung tâm (Centre Island) đã là một truyền thống hàng năm của tôi. Thuở đó, có quá nhiều thứ đáng yêu về hòn đảo này. Trong đó, nổi trội nhất là nông trại Far Enough đầy những con thú non các loài, còn có cả trải nghiệm thong dong cưỡi trên những chiếc xe cổ sang trọng trong Công viên Giải trí Centreville.
Thuở niên thiếu, tôi ưa đạp xe trên những cung đường lát đá trải dài khắp Đảo Trung tâm (Centre). Tôi chưa bao giờ thấy chán khi men theo những đoạn đường lát ván ngoằn nghoèo dọc theo Đảo Ward, trông ra Hồ Ontario, nhớ về những kỷ niệm tham gia bữa tối của các câu lạc bộ thuyền buồm và những chuyến dong thuyền đó đây cùng bè bạn.
Tôi chưa bao giờ chán những chuyến viếng thăm chuỗi đảo ngọc bao bọc lấy bậc thềm thành phố Toronto. Cơn gió mát lạnh phả vào mặt tôi khi chuyến phà tới bến, không gian xanh rộng mở, những mái nhà be bé, những chuyến picnic trong các vũng vịnh yên bình, hay sự huyên náo, ồn ào của Centreville – mọi thứ đều phấn khích và vỗ về tôi, y hệt như từ ngày thơ bé.
Đó là lý do vì sao tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện mà chồng tôi kể về mùa hè nọ gia đình anh từng sống trong một ngôi nhà trên Đại lộ Bờ hồ của Đảo Trung tâm. Từ lúc tôi đặt chân đến thăm Quần đảo Toronto (hoặc như những người Toronto chúng tôi gọi là “Đảo”, mặc dù thật ra có nhiều hòn đảo), nơi này đã là một không gian công cộng. Từ bé đến lớn, tôi đã nghe về cuộc chiến của cư dân Đảo Ward chống lại việc bị thành phố thu hồi nhà cửa, nhưng tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai thực sự là một phần của ngôi làng Centre Island thời thịnh vượng.
“Gia đình của cha anh sở hữu một căn nhà hai tầng để nghỉ hè trên đảo từ những năm 1920. Ngôi nhà thuộc về gia đình cho đến khi thành phố quyết định sung công quỹ và thu hồi nhà ở trên Đảo Trung tâm vào năm 1955. Trong số đó có cả một dãy phố thương mại sầm uất gồm các tiệm uốn tóc, cửa hàng và tiệm tạp hóa phục vụ cư dân – những người cư ngụ trên đảo quanh năm. Thành phố muốn thu hồi vì việc duy trì cơ sở hạ tầng khá tốn kém do mùa đông khắc nghiệt. Bạn bè và những kỷ niệm tuyệt vời sinh sống trong một cộng đồng khắn khít, thân tình trên đảo là một phần cuộc đời của cha anh. Ông rất tức giận và đau lòng trước cách thành phố di dời những người có nhà ra khỏi đảo, một vài người trong số họ đã ở đó qua nhiều thế hệ.”
Tìm hiểu thêm thông tin trên Internet, tôi biết được “The Island” thực chất là một chuỗi gồm 15 hòn đảo nhỏ và chúng có tổng diện tích khoảng 330 ha (820 mẫu Anh). Trên các đảo này bao gồm cả Sân bay Billy Bishop Toronto City, một số câu lạc bộ du thuyền, Công viên Giải trí Centreville, một số bãi biển (bao gồm cả Bãi biển tắm tiên Hanlan’s Point) và cộng đồng dân cư trên Đảo Ward.
Trên đảo không có xe hơi, chỉ có một số loại xe dịch vụ, và chỉ có thể lên đảo bằng đường thủy. Trước khi thuộc địa hóa châu Âu, người dân bản địa nơi đây bao gồm Anishinaabeg (còn được gọi là Ojibwa và Mississaugas). Họ xem khu vực này là nơi linh thiêng và đưa người bệnh đến chữa trị trong môi trường trong lành. Hồi đó, nơi đây là một bán đảo cát đùn, gắn với đất liền. Mặc dù thành phố Toronto nghĩ rằng họ sở hữu khu vực, nhưng nó chưa bao giờ là một phần của vụ Đổi chác Toronto năm 1787 và 1805 của người Anh. Việc giải quyết khiếu nại đất đai tiếp theo chỉ được giải quyết vào năm 2010 khi Chính phủ Canada thanh toán bằng tiền mặt cho người Mississaugas.
Đảo lớn nhất là Đảo Trung tâm, tiếp theo là Đảo dân cư Algonquin và Đảo công viên Olympic. Đảo Ward thực ra chính là cuối bờ đông của Đảo Trung tâm. Để thêm phần dễ nhầm lẫn, lại còn có bến tàu Center Island và công viên giải trí Centreville nằm trên Đảo Giữa (Middle Island). Các hòn đảo đáng chú ý khác là Đảo Mugg, nơi có Câu lạc bộ Thuyền buồm và Đảo RCYC, do Câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Canada đóng trụ sở.
Sau khi bờ cát xoay vần và bán đảo biến thành quần đảo, Thành phố Toronto đã mua lại quần đảo từ chính phủ liên bang và khu đất được chia thành nhiều lô cho các khu nhà, khu vui chơi giải trí và khách sạn nghỉ dưỡng. Mặc dù thành phố cho thuê đất, cư dân được sở hữu các tòa nhà.
Năm 1878, một khách sạn được John Hanlan xây dựng ở mũi Tây Bắc của hòn đảo và ngay sau đó khu vực này được biết đến với tên gọi Hanlan’s Point. Cũng trong khoảng thời gian đó, những dinh thự nghỉ hè phong cách thời Victoria đã được các gia đình đứng đầu Toronto xây dọc theo bờ hồ của Đảo Trung tâm.
Cộng đồng Đảo Ward bắt đầu vào những năm 1880 như một cộng đồng lều bạt. William E. Ward đã xây dựng Khách sạn Ward, cùng với một vài ngôi nhà, và cho du khách thuê lều. Những túp lều này dần dần biến thành những mái nhà nhỏ còn sót lại cho đến ngày nay.
Có một sự thật thú vị là vào năm 1897, sân vận động Hanlan’s Point được xây dựng cho đội bóng chày Toronto Maple Leaf. Sau nhiều năm xây dựng lại, vào năm 1914, huyền thoại bóng chày Babe Ruth thực hiện cú đánh chuyên nghiệp đầu tiên của ông và bóng rơi xuống tận Hồ Ontario chính từ sân vận động này.
Vào thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1950, cộng đồng dân cư trên đảo bao gồm 650 ngôi nhà mùa hè và nhà dân, một rạp chiếu phim, sân chơi bowling, cửa hàng, khách sạn và vũ trường. Bởi vì việc xây dựng Đường cao tốc Gardiner đã xóa sổ hàng mẫu đất dọc theo bờ sông Toronto, Thành phố quyết định các hòn đảo sẽ thế chỗ cho các dịch vụ giải trí và Cục Công viên Đô thị bắt đầu phá dỡ những căn nhà đã hết hạn thuê hoặc những người thuê đồng ý nhận đền bù.
Sự phát triển của công viên bao gồm Nông trại Far Enough vào năm 1959 và Công viên Giải trí Centreville vào năm 1967. Năm 1971, một bến phà mới ở cuối đường Bay được xây dựng.
Khi việc trưng thu diễn ra, người dân Đảo Ward đã chống trả và đến năm 1973, Hội đồng Thành phố đã bỏ phiếu để bảo tồn cộng đồng. Nhiều trận chiến khác nhau tiếp tục diễn ra với các cấp chính quyền khác nhau cho đến năm 1993, khi dân trên đảo được tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và hợp đồng thuê đất 99 năm. Tính đến năm 2018, có 262 bất động sản ở trên Đảo Ward và Đảo Algonquin thuộc sở hữu của cư dân.
Thả bộ dọc theo những con đường duyên dáng xếp dài những căn nhà nhỏ trên Đảo Ward, tôi có thể thấy lý do tại sao người dân đã chiến đấu lâu dài và vất vả để giữ lại nhà. Vào mùa hè, những căn nhà này là chốn lui về để thư giãn, thoát khỏi thành phố nóng nực, chật kín xe cộ. Vào mùa đông, đây là một thiên đường êm dịu, yên tĩnh, phủ trắng tuyết. May mắn thay, đối với phần đông chúng ta, Quần đảo Toronto vẫn là một không gian công cộng yên tĩnh, nơi ta có thể theo bước những cư dân đầu tiên của nơi này, tái tạo năng lượng cho cơ thể mệt mỏi nơi phố thị chật chội và đắm mình trong sự hiền hòa của thiên nhiên.
This content is also available in:
English
See details
0 nhận xét:
Đăng nhận xét