Nghe đến cù lao, chắc nhiều người sẽ có xu hướng nghĩ nhiều về mặt địa lý vì từ này có nghĩa là một khoảng đất nổi lên giữa sông và mang nhiều nét tương đồng với đảo. Nhưng tới cù lao miền Tây thì nó chính lại chính là một đặc sản mà bất cứ du khách nào cũng nên một lần thử qua.
Trong phương ngữ miền Nam thì “cù lao” chính là một món lẩu được chứa trong một vật dụng bằng thau hoặc nhôm có hình dáng giống cái chân đèn ngày xưa, ở giữa có một ống đựng than lửa và có nắp đậy. Chính nhờ vào phần ống đựng than lửa ở giữa, khi than cháy rực, nắp được đậy kín thì nhiệt độ của than sẽ làm nước sôi lên ùng ục giúp thức ăn trong thau chín đều, thơm phức.
Để nấu món cù lao thì cũng không quá phức tạp, các loại lòng như heo, gà, vịt sau khi được sơ chế sạch sẽ được đem luộc chín, ở nhiều nơi người ta còn có thêm món thịt viên, chả viên để tăng độ hấp dẫn cho món ăn này. Tiếp đến là phần súp là thứ không thể thiếu trong món cù lao, người ta sẽ đun nước sôi, cho củ sắn (củ đậu) và xương heo vào nấu để tạo vị ngọt tự nhiên cho súp.
-
Món cù lao miền Tây, quan trọng nhất là phần súp – Fanpage Quán Hồi Đó.
Sau đó, người ta sẽ xếp lòng, thịt viên, bắp cải, cà rốt, nấm rơm, thêm vài con tôm khô, khô mực nướng xé mỏng để tạo mùi thơm cho món ăn độc đáo này. Phía trên cùng sẽ là hành lá và ớt được tạo hình thành hoa, lá để trông thật bắt mắt người dùng. Khi bắt đầu nhập tiệc, người ta sẽ cho lửa than vào ống đựng ở giữa phần cù lao, nước súp cũng sẽ được cho vào thau ngay sau đó rồi đậy nắp lại. Đến khi cả thau cù lao bắt đầu sôi đều thì mọi người bắt đầu thưởng thức.
-
Cù lao, món ăn đặc trưng của văn hóa đám tiệc của người dân miền Tây! – Fanpage Quán Hồi Đó.
Thường thì món cù lao chỉ xuất hiện trong dịp lễ, đám giỗ, đám cưới của người miền Tây, mỗi bàn sẽ có một cái cù lao ăn kèm với bún tươi. Rồi hình ảnh mọi người cùng nhau nói chuyện, cười nói rôm rả, người này gắp cho người kia một ít thức ăn làm không khí buổi tiệc trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Không những thế, người dân miền Tây không nề hà chuyện đem thức ăn thừa hay còn được gọi là “xà bần” về sau khi đám tiệc đã tan vì vốn dĩ, cái thói quen gắn kết, không có khoảng cách của người dân nơi này đã cắm rễ từ lâu đời. Bởi thế cho nên, không hề sai một chút nào khi nói món cù lao là món ăn của cái tình làng nghĩa xóm, món ăn của sự sẻ chia của lòng hiếu khách nhiệt tình của bà con vùng Tây Nam bộ.
See details
0 nhận xét:
Đăng nhận xét