Những con đường thường chỉ là nơi để đi qua chứ không phải đích đến. Nhưng như ai đó đã từng nói rằng “Hạnh phúc là quá trình chứ không phải kết quả”. Bốn cung đường dưới đây chính là minh chứng sáng nhất cho câu nói ấy. Nếu bạn đã quá quen với những địa điểm du lịch trong nước, muốn khám phá những điều mới mẻ hoặc đơn giản là tìm kiếm một nơi để check-in độc đáo thì hãy cùng theo chân tôi khám phá những cung đường đẹp nhất Việt Nam. Chắc hẳn chuyến hành trình từ Bắc – Nam này sẽ khiến bạn “cuồng chân” ngay lập tức đấy!
Đèo Mã Pí Lèng: cung đường phượt địa đầu của Việt Nam
Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo ở phía Bắc của Việt Nam. Đây là cung đường hiểm trở dài 20km nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, uốn lượn qua những vách núi hẹp, rồi vượt đỉnh Mã Pí Lèng ở độ cao gần 2000 m. Không khó hiểu khi đây là cung đường thách thức đối với cả những phượt thủ cừ khôi nhất. Mã Pí Lèng gây choáng ngợp bởi những đoạn dốc quanh co, uốn khúc ôm lấy những ngọn núi tai mèo kỳ vĩ. Chạy xe dọc theo những triền ngô xanh mướt, thấp thoáng những ngôi nhà tranh mộc mạc, là chỗ định cư của đồng bào dân tộc Mông nơi biên ải. Đặt chân tới đỉnh Mã Pí Lèng, thỏa thích ngắm cảnh hùng vĩ của núi đèo mới cảm nhận được hết sự vui sướng trào dâng. Có lẽ chính vì thế mà cung đường này còn có tên “Con đường hạnh phúc”.
Đèo Hải Vân: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”
-
Đèo Hải Vân – hình ảnh trên 24h.com.vn
Từng được tờ báo nổi tiếng Guardian của Anh bình chọn là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất thế giới, Đèo Hải Vân xứng đáng là điểm đến lý tưởng của những tay phượt thích khám phá. Với chiều dài 21km và độ cao 500m so với mực nước biển, đây là ranh giới tự nhiên giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, v. Như một “con đường trong mây”, một bên tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, một bên kề sát biển Đông, thật không quá khi ví Đèo Hải Vân chính là tác phẩm hoàn hảo được tạo thành với sự kết hợp của mẹ thiên nhiên và bàn tay con người. Đến với cung đường này, du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ đến ngoạn mục của núi rừng thiên nhiên, đắm mình trong từng lớp mây trắng bay lững lờ, lắng nghe tiếng sóng vỗ vào triền đá rì rào. Bỗng chốc tưởng như mình đang lạc vào một chốn bồng lai tiên cảnh.
Tà Năng – Phan Dũng: Cung đường đẹp nhất để trekking
-
Tà Năng – Phan Dũng – Hình ảnh trên trang eva.vn
Tà Năng – Phan Dũng được biết đến như một cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Với chiều dài hơn 50km, cung đường này “vắt” qua ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận Sau khi vượt qua những con đường ngoằn nghèo với cỏ cháy, và xuyên qua bìa rừng, “phượt thủ” sẽ được chiêu đãi bởi một màu xanh mướt của rừng núi và vẻ đẹp nên thơ của những ngôi nhà gỗ nằm im lìm trong lòng thung lũng. Ban đêm dừng chân cắm trại ở bên sườn núi, nghe hơi thở của cao nguyên chạm khẽ vào da mà quên hết những vất vả lo toan thường ngày. Và phần thưởng vẫn luôn chờ đón vào sáng hôm sau, là những tia nắng đầu tiên của ngày mới xuất hiện, là hơi sương vẫn còn lãng đãng bên sườn đồi, là tiếng chim hót véo von đón chào ngày mới. Chính những điều thú vị đó khiến dân phượt vẫn mong mỏi ít nhất một lần được đặt chân đến cung đường này. Tuy nhiên, chuyến hành trình khám phá ấy cũng không ít nguy hiểm, thách thức đối với những người ưa trải nghiệm.
Bàu Trắng – Mũi Né: Cung đường cát trắng đẹp nhất
-
Bàu Trắng – hình ảnh trên trang Vietnammoi.vn
Nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết 65km về hướng Đông Bắc, Cung đường xuyên đồi cát mang tên Bàu Trắng đã khiến biết bao tín đồ xê dịch phải thao thức. Bàu Trắng được bao phủ bởi những đồi cát mênh mông, trải dài tít tắp. Mà con đường này cũng ít cây cối khiến đôi khi người ta tưởng mình đang vừa đi ngang qua một hoang mạc Châu Phi nào đó vậy! Khám phá cung đường này, bạn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồi cát bất tận với sự sắp xếp màu sắc tài tình của tạo hóa từ trắng – vàng – đỏ. Một lần thử lướt trên những triền cát mênh mông, cảm nhận hơi nóng của nắng của cát, nghe gió phả vào mặt rồi “phiêu” theo những khúc cua uốn lượn,… thì mới hiểu được vì sao cung đường này khiến bao kẻ lữ hành phải “lạc tay lái” mỗi khi đi ngang qua.
See details
0 nhận xét:
Đăng nhận xét